Tem nhãn sản phẩm xuất hiện khắp nơi, từ chai nước bạn uống, hộp mỹ phẩm bạn dùng, cho đến các thiết bị điện tử trong nhà. Nó không chỉ có tác dụng cung cấp thông tin quan trọng về sản phẩm mà còn là công cụ xây dựng hình ảnh thương hiệu vô cùng hiệu quả. Vậy chính xác thì tem nhãn là gì và chúng đóng vai trò như thế nào trong kinh doanh và đời sống?Hãy cùng In Sắc Màu tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Tem nhãn là gì?
Tem nhãn (hay còn gọi là nhãn mác, label) là một ấn phẩm có kích thước nhỏ được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như giấy, nhựa, hoặc kim loại. Mặt sau của tem nhãn thường có một lớp keo dán để dán trực tiếp lên sản phẩm hoặc bao bì nhằm cung cấp các thông tin cần thiết về hàng hóa đó.
Với vai trò là cầu nối thông tin, tem nhãn sản phẩm chất lượng cao giúp người tiêu dùng nhận diện thương hiệu, hiểu về sản phẩm và mua được sản phẩm đúng với nhu cầu sử dụng.

Công dụng và vai trò của tem nhãn
Việc dán tem nhãn lên hàng hóa mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng và cả các cơ quan quản lý. Cụ thể như:
Đối với doanh nghiệp sản xuất
Một mẫu tem nhãn sản phẩm được thiết kế chuyên nghiệp chính là bộ mặt của thương hiệu. Nó giúp tăng độ nhận diện thương hiệu, tạo sự khác biệt so với đối thủ và gây dựng lòng tin nơi khách hàng. Hơn nữa, tem nhãn cũng là công cụ giúp cho doanh nghiệp dễ dàng quản lý hàng thông qua mã vạch hoặc mã code QR in trên bề mặt tem.
Đối với người tiêu dùng
Đối với người mua hàng, tem nhãn là nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy. Thông qua các thông tin như: tên sản phẩm, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng,… khách hàng sẽ chọn mua được sản phẩm đúng với nhu cầu sử dụng.
Ngoài ra, nhờ có tem nhãn sản phẩm, đặc biệt là các loại tem chống giả, người tiêu dùng sẽ tránh được nguy cơ mua phải các sản phẩm không chính hãng, hàng giả kém chất lượng.
Đối với các cơ quan quản lý
Đối với các cơ quan quản lý, tem nhãn là công cụ thiết yếu giúp họ kiểm soát được chất lượng và nguồn gốc hàng hóa lưu thông trên thị trường. Dựa vào thông tin trên tem, các cơ quan này có thể dễ dàng quản lý, kiểm tra, và xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái, góp phần xây dựng một thị trường minh bạch.
Những thông tin quan trọng cần có trên tem nhãn
Khi in ấn tem nhãn sản phẩm, nội dung trên tem cần tuân thủ theo các quy định về tem nhãn hàng hóa, một số thông tin quan trọng cần bắt buộc phải có gồm:

- Tên sản phẩm: Tên đầy đủ, chính xác của sản phẩm. Cần trình bày ở vị trí trung tâm của tem một cách rõ ràng, dễ đọc.
- Thông tin thương hiệu: Gồm tên công ty sản xuất/phân phối, logo đại diện của thương hiệu
- Thành phần: Liệt kê các thành phần cấu tạo nên sản phẩm.
- Công dụng và hướng dẫn sử dụng: Mô tả lợi ích và cách dùng sản phẩm hiệu quả.
- Ngày sản xuất và hạn sử dụng: Thông tin bắt buộc, đặc biệt với ngành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm.
- Thông tin cảnh báo (nếu có): Ví dụ như “tránh xa tầm tay trẻ em”,”rửa sạch khi vương vào mắt”, “không sử dụng sản phẩm hết hạn”,…
- Mã vạch/QR Code: Giúp quản lý kho và khách hàng dễ dàng truy xuất thông tin nhanh chóng.
- Thông tin liên hệ: Gồm địa chỉ, số điện thoại, email hoặc website của doanh nghiệp sản xuất.
Phân loại tem nhãn
Tem nhãn có nhiều loại, được phân chia dựa vào nhiều yếu tố từ chất liệu, hình dáng đến vị trí dán. Dưới đây là các loại tem nhãn dán sản phẩm được dùng phổ biến nhất trên thị trường hiện tại.
Phân loại theo chất liệu
Dựa vào chất liệu sử dụng, tem nhãn được chia thành 3 loại chính là tem nhãn giấy, tem nhãn bằng nhựa và tem nhãn làm từ các chất liệu đặc biệt. Mỗi loại sẽ có những đặc tính riêng và phù hợp với một số mặt hàng nhất định.
Tem nhãn giấy
Đây là loại tem nhãn phổ biến nhất bởi giá thành in ấn rẻ, khả năng hiển thị thông tin sắc nét và phù hợp với hầu hết mọi mặt hàng, sản phẩm từ bình dân đến cao cấp. Tuy nhiên, loại tem nhãn giấy này rất dễ rách, không chịu được nước hay độ ẩm cao nên chỉ phù hợp cho các sản phẩm bảo quản ở nơi khô ráo, vòng đời ngắn như thực phẩm đóng gói, hàng tiêu dùng nhanh, nhãn dán trên thùng carton.
Tem nhãn nhựa
Tem nhãn làm từ chất liệu nhựa có ưu điểm vượt trội về độ bền, có khả năng chống thấm tốt, khó bị rách, chịu nhiệt tốt, rất ít bị tác động bởi các yếu tố thời tiết. Đây là lựa chọn tối ưu cho các sản phẩm cần bảo quản đông lạnh, bảo quản mát – môi trường có nhiệt độ thấp và độ ẩm cao.
Tem nhãn nhựa thường có hai loại chính là tem nhãn bằng nhựa sữa – màu trắng đục, thông tin in lên bề mặt được làm nổi bật, rất bắt mắt. Và tem nhãn bằng nhựa trong suốt – có thể nhìn xuyên thấu, giúp tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm nên thường được dùng trên các mặt hàng cao cấp.
Tem nhãn đặc biệt
Ngoài chất liệu giấy và nhựa, còn nhiều loại tem nhãn khác được tạo ra để phục vụ cho các mục đích chuyên dụng như:
- Tem vỡ: Đặc điểm của loại tem này là giòn và dễ vỡ khi bị tác động. Một số công dụng chính của tem vỡ là dùng để làm tem bảo hành hoặc tem niêm phong các sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử nhằm xác định sản phẩm đã bị can thiệp hay chưa.
- Tem xi bạc: Điểm đặc biệt của tem xi bạc là được phủ một lớp kim loại mỏng lên bề mặt, tạo cảm giác sang trọng. Loại tem này có độ bền cao, chịu nhiệt tốt nên thường được dùng để dán trên các thiết bị máy móc cơ khí, điện tử.
- Tem phản quang: Là loại tem có khả năng phát sáng khi có ánh sáng chiếu vào, chủ yếu dùng cho các biển báo giao thông, thiết bị an toàn trong lao động.
Phân loại tem nhãn theo hình dáng
Hình dáng cũng là một yếu tố được dùng để phân loại tem nhãn. Mỗi một hình dáng tem sẽ phù hợp với một số sản phẩm và vị trí dán khác nhau. Ví dụ như:

- Tem nhãn hình chữ nhật/hình vuông: Được dùng chủ yếu để cung cấp thông tin sản phẩm nên thường được dán ngay vị trí trung tâm của sản phẩm. Loại tem hình vuông và hình chữ này phù hợp với hầu hết các loại hộp vuông vức hoặc chai lọ.
- Tem nhãn hình tròn/elip: Các đường cong trên tem nhãn hình tròn và hình elip mang lại cảm giác mềm mại, tinh tế cho sản phẩm nên thường được dùng để làm tem nhãn cung cấp thông tin cho các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm hữu cơ, đồ thủ công mỹ nghệ. Hoặc dùng làm tem chống hàng giả, tem bảo hành, tem niêm phong.
- Tem nhãn hình giọt lệ: Với thiết kế độc đáo, bắt mắt, tem giọt lệ chủ yếu được dùng thường được sử dụng làm tem cung cấp thông tin trên các mặt hàng như: Tem chai nước rửa tay, dầu gội trẻ em, nước xả vải, nước giặt, nước lau sàn,…
Phân loại theo vị trí dán
Căn cứ vào vị trí dán, công năng sử dụng thì tem nhãn sản phẩm được chia làm ba loại gồm: Tem nhãn chính, tem nhãn phụ và tem bảo hành/tem chống hàng giả.
Tem nhãn chính là loại tem thường được dán ở mặt trước của sản phẩm. Trên tem chính chứa nhiều thông tin quan trọng như: Tên thương hiệu sản xuất, logo thương hiệu, tên sản phẩm và hình ảnh minh họa bắt mắt để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Tem nhãn phụ là loại tem được dán ở mặt sau hoặc các mặt bên của sản phẩm. Tem phụ chứa các thông tin chi tiết của sản phẩm đó như: Thành phần, hướng dẫn sử dụng, thông tin nhà sản xuất. Đối với hàng hóa nhập khẩu, tem phụ chứa tên tiếng Việt của sản phẩm, doanh nghiệp sản xuất, thông tin đơn vị nhập khẩu, phân phối sản phẩm,… đây là yêu cầu bắt buộc.
Tem bảo hành, tem chống hàng giả là những loại tem đặc biệt, thường được dán ở vị trí niêm phong như mối nối, nắp mở để đảm bảo tính nguyên vẹn của sản phẩm khi bán đến tay khách hàng.
Công nghệ in ấn tem nhãn
Có nhiều công nghệ in có thể dùng để sản xuất tem nhãn sản phẩm, nhưng phổ biến nhất hiện nay là công nghệ in kỹ thuật số, in offset và in flexo.

Công nghệ in kỹ thuật cho chất lượng in sắc nét, màu sắc sống động, có thể sửa đổi thông tin dễ dàng khi đang in ấn, phù hợp với các đơn hàng đặt in số lượng ít, cần lấy gấp.
Công nghệ in Offset cho chất lượng hình ảnh đẹp nhất, màu sắc chuẩn. Rất thích hợp cho đơn hàng số lượng rất lớn để tối ưu chi phí.
Công nghệ in Flexo có tốc độ in rất nhanh, có thể in trên nhiều chất liệu dạng cuộn. Đây là công nghệ được dùng phổ biến nhất để in tem nhãn số lượng lớn (> 10.000 sản phẩm) cho các dây chuyền dán nhãn tự động.
Lời kết
Xưởng In Sắc Màu vừa chia sẻ đến bạn đọc thông tin chi tiết về tem nhãn là gì, các vai trò của tem nhãn, những nội dung quan trọng cần có trên tem và các loại tem nhãn phổ biến phân loại theo chất liệu, vị trí dán và hình dạng. Mong rằng những chia sẻ trên của chúng tôi sẽ có ích với bạn đọc.