Hiện nay, việc xuất bản một cuốn sách đã không còn quá khó khăn. Tác giả có thể tự mình xin giấy phép và tiến hành xuất bản hoặc hợp tác với các nhà xuất bản để phát hành. Trong bài viết dưới đây, bạn đọc hãy cùng In Sắc Màu tìm hiểu quy trình để có thể tự xuất bản một cuốn sách hoặc cách xuất bản sách thông qua trung gian – là các nhà xuất bản, phát hành sách chuyên nghiệp.
Xuất bản sách là gì?
Theo Luật Xuất bản 2012, xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành tác phẩm hoàn chỉnh để phát hành đến nhiều người qua các hình thức như sách in, sách chữ nổi, tranh ảnh và cả xuất bản phẩm điện tử.
Khác với in ấn, xuất bản là một quy trình toàn diện bao gồm các bước pháp lý và biên tập để tạo ra một tác phẩm hoàn thiện để đưa ra thị trường. Trong khi đó, in ấn chỉ là một công đoạn kỹ thuật, chính xác là sao chép tác phẩm đã được cấp phép thành nhiều bản. Một đơn vị in ấn không có chức năng xuất bản một tác phẩm nếu không được cấp phép.

Tự xuất bản sách: Ưu điểm và thách thức
Tự xuất bản sách là một hướng đi mới cho những tác giả độc lập muốn có quyền kiểm soát 100% tác phẩm của chính mình, chấp nhận rủi ro hoặc những tác giả chuyên viết về những chủ đề kén độc giả mà các nhà xuất bản truyền thống từ chối.
Việc tự thân xuất bản sách có nhiều ưu điểm nhưng cũng tiềm ẩn những thách thức lớn mà tác giả cần lường trước và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.
Ưu điểm:
- Toàn quyền kiểm soát: Tác giả là người có quyền quyết định mọi thứ liên quan đến của cuốn sách như: từ nội dung, văn phong, đến thiết kế bìa và chiến lược quảng bá,… mà không gặp phải sự cản trở nào.
- Nắm toàn bộ lợi nhuận: Khi tự xuất bản sách, tác giả sẽ nhận được toàn bộ lợi nhuận thu về từ việc phát hành sách thay chỉ nhận nhuận bút hoặc chia % với nhà xuất bản.
- Thời gian linh hoạt: Tác giả có thể linh hoạt về thời gian phát hành thay vì bị phụ thuộc như khi hợp tác với các nhà xuất bản, đơn vị phát hành.
Thách thức:
- Chi phí đầu tư ban đầu cao: Toàn bộ chi phí ban đầu từ chi phí in sách, thiết kế bìa, dàn trang, chi phí xin giấy phép xuất bản đến chi phí in ấn đều do tác giả chi trả.
- Khối lượng công việc lớn: Do tự xuất bản nên tất cả các khâu từ khi bắt đầu đến khi hoàn thiện sách tác giả đều là người trực tiếp lo liệu. Đây là một khối lượng công việc rất lớn mà không phải tác giả nào cũng đủ khả năng đảm nhiệm.
- Thách thức khi phân phối và tiếp thị sách: Đây cũng là một thách thức rất lớn, đặc biệt là với những tác giả mới, chưa có tên tuổi và tệp độc giả trung thành thì việc tiếp cận và quảng bá sách sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
- Rủi ro tồn kho: Sách bị tồn kho là một rủi ro hiện hữu tác giả độc lập phải chấp nhận khi tự xuất bản sách.
Làm thế nào để tự xuất bản một cuốn sách?
Tự xuất bản sách là một quy trình gồm nhiều công đoạn, từ việc biến những ý tưởng thành bản thảo, rồi từ bản thảo thành sách cho đến các bước pháp lý để cuốn sách được cấp phép phát hành ra thị trường. Chi tiết từng công đoạn, bạn có thể tham khảo ngay sau đây.

Chuẩn bị nội dung (bản thảo)
Trước tiên bạn cần có một ý tưởng, một chủ đề rõ ràng và thể hiện nó thành một văn bản hoàn chỉnh. Đây là bước đầu tiên, điểm khởi đầu của mọi cuốn sách bởi bản thảo chính là linh hồn của tác phẩm, là nền tảng cho tất cả các công đoạn về sau.
Biên tập và chỉnh sửa nội dung
Bản thảo sau viết xong cần được biên tập lại nhiều lần để hoàn thiện. Công đoạn này thường bạn nên giao cho những biên tập viên chuyên nghiệp thực hiện để đảm bảo nội dung cuốn sách in ra không bị lỗi. Những công việc mà biên tập viên sẽ thực hiện bao gồm:
- Rà soát lỗi chính tả, ngữ pháp.
- Chỉnh sửa lại câu từ cho mượt mà, mạch lạc.
- Sắp xếp lại cấu trúc, đảm bảo mạch văn logic và hấp dẫn.
- Đảm bảo tính nhất quán và chính xác của thông tin cung cấp.
Thiết kế bìa và dàn trang sách
Bìa sách là yếu tố đầu tiên tiếp xúc với độc giả, thu hút sự chú ý của họ và thúc đẩy họ tìm hiểu, đọc thử nội dung. Một thiết kế bìa sách chuyên nghiệp, thể hiện đúng tinh thần nội dung có thể quyết định đến 50% khả năng bán được sách nên cần hết sức chú ý.
Ngoài phần bìa sách, dàn trang cũng là công đoạn quan trọng. Quá trình này sẽ sắp xếp nội dung, hình ảnh bên trong cuốn sách sao cho khoa học, hợp lý để mang đến cho độc giả trải nghiệm đọc tốt nhất.

Xin giấy phép xuất bản sách
Đây là bước bắt buộc về mặt pháp lý mà bạn hay bất kỳ tác giả độc lập nào cũng cần phải thực hiện để cuốn sách được phép xuất bản, phát hành. Tuy nhiên, có điểm quan trọng cần nhớ là: cá nhân không thể tự xin giấy phép xuất bản. Bạn phải thực hiện thủ tục này thông qua một nhà xuất bản (NXB) có chuyên môn.
Quy trình diễn ra như sau:
- Chọn NXB và gửi bản thảo: Đầu tiên bạn liên hệ với một NXB phù hợp (ví dụ: Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Thế Giới, Nhà xuất bản Hồng Đức…) và nộp hồ sơ cùng bản thảo hoàn chỉnh.
- NXB thẩm định nội dung: NXB sẽ đọc và kiểm duyệt nội dung của bạn để đảm bảo không vi phạm các quy định của pháp luật. Sau đó NXB sẽ nộp bản thảo hoàn chỉnh cho Cục xuất bản để xin phép. Quá trình này thường mất khoảng 7 ngày làm việc.
- Cấp phép: Nếu bản thảo được chấp thuận, NXB sẽ cấp quyết định xuất bản. Chi phí cho dịch vụ này dao động từ 2 – 5 triệu đồng tùy NXB.
In ấn
Sau khi đã có giấy phép, bước tiếp theo bạn có thể bắt đầu tìm kiếm một xưởng in uy tín, có kinh nghiệm in sách để được tư vấn về chất liệu giấy in sách và kỹ thuật in phù hợp. Khi liên hệ với nhà in, bạn cần cung cấp cho họ giấy phép xuất bản và file thiết kế hoàn thiện để bắt đầu in ấn.
Khi in sách, bạn cần chú ý đến chất liệu giấy sử dụng bởi chất liệu ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuốn sách, Các loại giấy phổ biến để in ruột sách là Fort 70gsm, Fort 80gsm. Giấy Couche sẽ phù hợp để in trang bìa hoặc các trang có hình ảnh màu. Và công nghệ in offset là lựa chọn tối ưu khi in sách để tối ưu chi phí.

Nộp lưu chiểu
Đây là bước cuối cùng trong quy trình pháp lý. Sau khi in xong, bạn phải nộp lại cho NXB đã cấp phép từ 10 – 15 cuốn sách thành phẩm để họ lưu chiểu và kiểm tra lần cuối, đảm bảo nội dung in ra khớp với nội dung đã đăng ký. Khi NXB xác nhận, bạn sẽ được cấp giấy phép phát hành. Lúc này, cuốn sách của bạn đã hoàn toàn hợp pháp để đến tay độc giả.
Phân phối và tiếp thị sách
Sau khi nhận được giấy phép phát hành, bước cuối cùng là bạn cần liên hệ với các đơn vị phân phối sách chuyên nghiệp như Fahasa hay Phương Nam để ký gửi sách. Đây là nơi mà độc giả sẽ tiếp cận và mua sách của bạn.
Ngoài các hệ thống nhà sách lớn trên, bạn cũng có thể phân phối thông qua các trang thương mại điện tử như shopee, tiki, lazada hoặc phân phối qua các kênh cá nhân như: website, fanpage,… để sách tiếp cận được với đông đảo độc giả hơn.
Xuất bản sách truyền thống thông qua nhà xuất bản
Ngoài cách xuất bản sách độc lập, bạn cũng có thể tham khảo thêm một số thông tin về cách xuất bản sách thông qua các nhà xuất bản truyền thống để thấy được sự khác biệt giữa hai hình thức này.
Khi chọn cách xuất một cuốn sách thông qua một nhà xuất bản. Công việc chính của bạn là hoàn tất bản thảo để giao cho nhà xuất bản. Còn tất cả các công đoạn khác như biên tập, thiết kế bìa, kích thước sách, dàn trang nội dung, thiết kế hình minh họa, xin giấy phép, in ấn đến phân phối,… đều do nhà xuất bản chịu trách nhiệm.
Lúc này, nhà xuất bản đóng vai trò như một đối tác đầu tư. Họ nhìn thấy tiềm năng thương mại trong bản thảo của bạn và sẵn sàng bỏ vốn để biến nó thành một sản phẩm có thể sinh lời.

Cách xuất bản sách thông qua nhà xuất bản có nhiều ưu điểm, tuy nhiên nó cũng có những hạn chế mà bạn hay các tác giả độc lập cần phải biến như:
Ưu điểm:
- Không tốn chi phí: Bạn không phải bỏ ra bất kỳ khoản tiền đầu tư nào để xuất bản cuốn sách.
- Chuyên nghiệp hóa: Tác phẩm của bạn được chăm chút bởi một đội ngũ chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và am hiểu cặn kẽ thị trường sách, thị hiếu của độc giả.
- Hệ thống phân phối mạnh: Các nhà xuất bản có sẵn mạng lưới nhà sách rộng khắp, đảm bảo sách của bạn có mặt trên toàn quốc. Đây là điều mà những tác giả in sách độc lập rất khó để làm được.
- Uy tín: Được một nhà xuất bản lớn đỡ đầu sẽ là một bảo chứng uy tín cho tên tuổi cũng như chất lượng nội dung của tác phẩm.
Nhược điểm:
- Cạnh tranh khốc liệt: Mỗi năm, có rất nhiều bản thảo được gửi về cho các nhà xuất bản nên tỷ lệ cạnh tranh rất cao, khả năng bản thảo được chọn là khá thấp.
- Thời gian chờ đợi lâu: Quy trình thẩm định và xuất bản có thể kéo dài 1-2 năm và bạn không thể kiểm soát được.
- Ít quyền kiểm soát: Nhà xuất bản có thể sẽ can thiệp đến nội dung, bìa sách và thiết kế hình ảnh minh họa. Bạn có khá ít quyền kiểm soát tác phẩm của mình.
- Nhuận bút thấp: Nhuận bút bạn nhận được khá ít do phải phân chia với nhà xuất bản. Đa phần % bạn nhận sẽ ít hơn nhà xuất bản.
Lời kết
Xưởng In Sắc Màu vừa chia sẻ đến bạn đọc những thông tin liên quan đến cách xuất bản sách và quy trình để tự xuất bản sách hoặc kết hợp với các nhà xuất bản để phát hành một cuốn sách. Mong rằng những chia sẻ trên đây của insacmau.com sẽ có ích với bạn.